Cả đoạn đường qua thành phố Hòa Bình không có gì đặc biệt, tôi nhớ khi gần ra khỏi thành phố bắt đầu thấy những đỉnh núi mây mù bao phủ ở phía xa, nghĩ trong bụng chắc là mình chi đi ở ven ven chân núi thôi chứ cao thế sao mà đi lên được, ai ngờ chỉ một lúc sau mình đã đứng ở ngay gần chỗ mây mù bao phủ rồi. Chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào đẹp và khó tả như thế, nó là những điều mới mẻ, nó tuyệt vời.
Nơi bắt đầu lên đèo
Đoạn đường lên núi còn nguy hiểm hơn cả sức tưởng tượng, một bên là núi đá còn một bên là vực cao hàng trăm mét được chắn bằng hàng rào thấp, lúc đầu đi thì hơi run nhưng về sau quen tay lái thì cứ thoải mái phóng, cái đáng sợ ở đây không phải là vực mà là các bố xe khách. Mấy bố này đi ngầu vô địch, đường nhỏ mà các bố phóng như đường của nhà mình không đi sát mép kiểu gì cũng va chạm. Có một điểm thú vị khi đi đoạn đường này là đèo cứ lúc lên-lúc xuống. Khi lên không sao, khi xuống toàn đèo nghiêng 7 độ lái xe cứ như muốn lao xuống cống, xuống vực hay phi vào vách đá.
Cung đường đoạn từ Hòa Bình lên Mộc Châu, dài - rộng hoành tráng vô cùng. Hai bên là đất để người H'Mông, người Mường trồng ngô, sắn...
Đoạn vào rừng già gần Mộc Châu, đây là đoạn đường ấn tượng nhất. Lạ ở chỗ là nơi chúng tôi đang đứng thì trời trong xanh không một chút mù nào, nhưng cách đấy khoảng 20m là đoạn đường mù dày đặc, những chiếc cây dần dần biến mất, những chiếc ô tô đi trước cũng mất tích vào đám mây mù. Khi đi vào trong đám mù này bỗng dưng thấy lạnh. Bọn tôi nói đùa là đang đi vào địa ngục, trong ấy phải bật đèn xe, chỉ cách nhau 1-2m mà không bật đèn thì người đối diện không thể nhìn thấy nhau rất dễ xảy ra tai nạn và chúng tôi chỉ dám đi với tốc độ rùa bò. Một trải nghiệm khá dị.
Bức ảnh này chụp vào buổi sáng ngày hôm sau. Vừa bước ra cửa thấy cảnh tượng này, người Mộc Châu thì quen với cảnh này rồi. Hầu như ngày nào buổi sáng cũng có mây mù ẩm ướt như thế, nhưng chỉ tới 10h là trời bắt đầu nắng như mùa hè và tới chiều thì mát như mùa thu, đến tối đi chơi lạnh tới mức phải mặc áo rét. Một ngày có đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Lúc ấy đang là tháng 9.
Ở ven đoạn đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu có rất nhiều bản làng nhỏ như thế này, hình như là của người Thái thì phải. Ở đây để đi ra thành phố phải mất vài chục km, nhưng người dân ở đây có đầy đủ điện, thậm chí tivi còn có cả chảo bắt sóng.
Những cô gái người H'Mông. Ngày chúng tôi lên đường gần mùng 1,2 tháng 9. 1/9 là Chợ tình, 2/9 là Tết độc lập của người dân tộc (ngày lễ lớn nhất trong năm như tết Nguyên Đán của người Kinh mình, họ dành những bộ váy, đôi giày, chiếc tất mới để diện trong ngày này). Đúng dịp chúng tôi đi, Mộc Châu có tổ chức lễ hội các dân tộc miền núi, có 7 dân tộc tham gia. Nhớ nhất vẫn là buổi đi chợ tình, trên đường đâu đâu cũng là người dân tộc với đủ trang phục khác nhau, nhiều nhất vẫn là người H'Mông với váy xòe màu đỏ, màu xanh. Trên váy, áo có những đồng bạc treo lúc các cô gái người H'Mông chạy kêu leng keng (nó là một hình thức phân biệt giàu nghèo, nhà nào giàu thì trên váy trang trí đồng bạc). Hôm ấy tôi cũng mua được một chiếc áo của con trai H'Mông (mặc vào cái mặt mình không khác gì người Mông thật). Nhưng váy, áo người ta mang ra chợ bán chỉ là hàng thương mại, người dân tộc 1 năm họ chỉ dệt ra 1-2 bộ váy dành cho ngày Tết độc lập và chợ Tình. Chợ tình ở Mộc Châu cũng giống như chợ tình Sapa, các dân tộc từ khắp các vùng đến đây, chợ Tình là nơi các đôi thanh niên gặp gỡ quen biết nhau, đây cũng là nơi họ nên duyên vợ chồng. Cũng có nhiều mối tình không lấy được nhau, và những đôi này được gặp nhau một năm một lần như Ngưu Lang - Chức Nữ, nhưng khác ở chỗ họ gặp ở chợ Tình còn Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau ở Kiều. Đêm chợ Tình vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng, con đi đường con. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó rồi cùng về, nhưng có một điều đặc biệt là sẽ không ai hỏi ai đêm qua ở đâu, đi với ai, làm gì. Đó là một nét văn hóa rất đẹp. Tôi được nghe kể nếu muốn làm quen với một cô gái ở chợ tình thì đặt tay lên tay cô ấy và nói chuyện, bước này là bước làm quen. Những cô gái xinh đẹp sẽ có nhiều chàng trai đi theo. Họ trò chuyện, cười nói vui vẻ. Cả một năm làm lụng vất vả, họ dành cho mình một ngày lễ đặc biệt, một ngày để vô tư thoải mái đi ăn những bát phở, chụp ảnh, ăn chè, ăn bánh...
Và chợ Tình là chuyện của ban đêm. Ban ngày thì chúng tôi đi đồi chè, thác Dải Yến, đồi thông, đồng cỏ, trang trại bò sữa... Mộc Châu còn quá nhiều thứ để đi, để khám phá nhưng chúng tôi vẫn chưa đi hết.
Mộc Châu đâu đâu cũng là chè.
Mượn tạm được chiếc xe đạp của các cô công nhân nhà máy chè, thi nhau nghịch.
Không chỉ đi dạo, chụp ảnh trên đồi chè mà tôi còn được trực tiếp hái chè cùng với công nhân của nhà máy nữa. May mắn là bà tôi làm ở nhà máy chè, ra đồi chè thăm bà thấy bà đang hái cũng tót lên hái cùng. Nhưng hái chậm như rùa bò, nhìn hai tay bà nhanh như máy (hái chè người ta cũng có thể dùng máy cắt, cắt lấy ngọn non của chè. Nhưng nhà máy cấm việc sử dụng máy khi hái chè)
Hoa hậu bò - Ở Mộc Châu hàng năm người nuôi bò cùng nhà máy sữa tổ chức cuộc thi "Hoa hậu bò", không chỉ tuyển chọn vẻ ngoài đẹp như thi hoa hậu người - hoa hậu bò lựa chọn ra con bò sữa nào cân đối, lông mượt, phải cho nhiều sữa. Tiêu chuẩn khá là khắt khe đấy chứ.
Hoa bồ công anh trên đồng cỏ
Hoa dại
Điểm đến tiếp theo là Thác Dải Yếm, lúc đầu nghe cái tên này đoán mò chắc cô gái Thái nào đi tắm ở đây quên cái dải yếm ở lại, nhưng sau hỏi ra thì biết sở dĩ thác mang tên là Dải Yếm vì theo truyền thuyết, thác là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ. Nước chảy từ trên khe núi xuống liền nhau tạo thành những chiếm dải yếm nhỏ màu trắng rất đẹp và mát "lạnh"
Mộc Châu không chỉ có khí hậu mát mẻ, cảnh đẹp, sữa bò tươi mà còn có cả Rượu ngô, thắng cố. Thắng cố thì chưa dám ăn nhưng khoái nhất rượu ngô.
Tôi nhớ nắng và gió trên những con đường ấy, nhớ những người bạn. Nhớ bà, nhớ chú dì hiếu khách. Và ta tạm biệt hẹn ngày trở lại nơi này.
còn lại nơi ấy mắt biếc
còn lại nơi ấy luyến tiếc
còn lại nơi ấy bao ước mơ tan vào nhau
còn lại nơi ấy dấu vết
còn lại nơi ấy giá rét
còn lại nơi ấy nơi phố quen ta gặp nhau