Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chỉ đường đi Yên Tử



Ngồi xem lại mấy bức ảnh chụp trên đường đi Yên Tử hôm 26/12/2012 (âm lịch), nhớ ra lần đấy mình tìm đường đi trên mạng chẳng có ai hướng dẫn cụ thể. Những người mới đi lần đầu vừa đi vừa hỏi đường khá mất thời gian, tiện có ảnh mình viết một bài hướng dẫn cho những người chưa từng đi Yên Tử bao giờ. Các bạn cần chuẩn bị gì, đi ra sao, có khó khăn gì mình sẽ chia sẻ dưới đây.
Đường đi Yên Tử


1. Chuẩn bị
Nếu bạn cách Yên Tử khoảng 150km trở lại thì đi trong một ngày, đồ đạc chuẩn bị:
- Tiền: đừng mang thẻ ATM, mang tiền mặt đi! Nếu chỉ đi và mua những đồ dụng linh tinh, đi cáp treo nữa thì mang dưới 1.000.000đ là đủ (mình đi Yên Tử mất chưa đến 100.000đ, mình mua đồ ăn, nước uống, gửi xe, đổ xăng… tất cả hết 99k, nhà mình cách đấy 50km)
- Giày leo núi (nếu có): tốt nhất là nên có một đôi giày leo núi, đường leo Yên Tử hầu hết là bậc thang đá rất đẹp và sạch sẽ nhưng đường dài sẽ dẫn đến đau chân (6km). Nếu bạn đi giày “cao gót” hoặc giày búp bê thì chắc chắn đi chưa được nửa đường thì một là giày bạn hỏng, hai là chân bạn hỏng. Không có giày leo núi thì đi giày thể thao, giày đi bộ…  đi gì thì đi, đảm bảo nó  ”nâng niu được bàn chân Việt”, độ bám tốt là ok.
- Balô: một cái balo nhỏ, gọn nhẹ để đựng mấy thứ “nhỏ, gọn, nhẹ” khác thôi. Nếu đi đông, mỗi người mang 1 chiếc.
- Quần áo: trang phục gọn nhẹ tối đa
* Mùa đông nên mặc những chiếc áo khoác thể thao chất ấm, không thấm mồ hôi và quan trọng nhất nó vẫn phải nhẹ để lúc nóng cởi ra tiện cầm hoặc cất. Khi leo lên được một đoạn thấm mệt, nếu chiếc áo của bạn nặng và thấm mồ hôi, bạn sẽ được vác thêm 1-2kg trên người – MỆT… LẮM… Phương án tốt nhất (nếu trời quá lạnh): bạn mặc áo khoác ấm bình thường, nhưng mang theo 1 chiếc áo khoác mỏng, tới chân núi gửi hành lý rồi leo với chiếc áo mỏng thôi. Đừng mặc jean, đừng mặc đồ skinny (nếu mặc jean nên mặc loại co giãn thoải mái), tốt nhất vẫn là quần áo thể thao, không thấm mồ hôi.
* Mùa hè: gọn – nhẹ! Đừng sexy quá các bạn nữ nhé (mình rất thích các bạn nữ sexy) nhưng đây là nơi linh thiêng, tốt nhất nên mặc lịch sự. Về nhà hở hang bù một thể.
- Nước: bạn chắc chắn cần nước, mồ hôi của bạn sẽ nhễ nhại khi leo và đồng nghĩa với việc cơ thể mất đi một lượng nước lớn, không có xăng đổ vào xe bạn sẽ mệt và không chạy được. Tuy nhiên một người uống thì cũng chỉ cần khoảng 1 lít là đủ. Nên chia nhỏ chai nước ra nếu đi đông người, dễ cầm, không tốn diện tích. Nếu có khoáng mặn thì quá tuyệt, nó sẽ giúp bổ sung lại lượng khoáng chất vừa mất, tỉnh táo và khỏe mạnh như heroin (Quảng Ninh là nơi sản xuất nước khoáng mặn)
- Đồ ăn: mang đồ ăn nhẹ thôi. Mình chọn bánh mỳ và giò, hoặc xôi và giò… đại loại một thứ gì đấy ăn lót dạ vào buổi trưa. Vào mùa lễ hội dọc đường ngươi dân có bán, nhưng nếu bạn đi không phải mùa hội thì tốt nhất nên chuẩn bị từ nhà vì ngày đấy người ta nghỉ bán rồi. Như thế vừa tiện, vừa ngon và vừa không đắt. (Trứng 15k/quả, bò húc 25k/lon)
- Gậy (không có cũng được): kiếm một cái gậy để lúc xuống dùng, có gậy sẽ giúp bạn đỡ đau đầu gối và cổ chân hơn.
- Máy ảnh, điện thoại: Có cần tự sướng không? Cảnh Yên Tử thì bạn nghe Mỹ Linh hát rồi đấy “Mênh mênh mang mang phù vân Yên Tự ự ự ự” – đẹp và cổ kính.
Sóng điện thoại mấy anh Mobifone độc quyền ở đây. Ở trên đỉnh (Chùa Đồng) bạn vẫn có thể up ảnh facebook bình thường. Ngày lễ còn có cả một xe cột sóng di động ở chân núi nữa.
Trên đây là những thứ cơ bản cần chuẩn bị, ngoài ra thì bạn có thể mang thêm một số thứ linh tinh nữa như áo mưa (mình chưa gặp mưa to bao giờ) hoặc sổ, bút sách nếu cần ghi chép gì. Nói chung là bạn nên đơn giản hóa và gọn nhẹ mọi thứ, đừng mang vác cồng kềnh, đừng mang quá nhiều đồ ăn và nước – nhưng cũng đừng quên mang những thứ đó. Nếu nhà bạn ở xa thì đơn giản hơn rồi, mang thêm tiền và một bộ quần áo rồi thuê nhà nghỉ ở dưới chân núi. Dưới chân núi có nhà nghỉ, nhà hàng đủ cả. Nếu thích ngủ lều thì cũng khá hợp lý, ở chân núi không gian khá rộng và yên tĩnh.
2. Thời gian
Nếu ở trong khoảng bán kính 100km thì bạn nên đi từ  sáng sớm, vì đoạn đường 100km sẽ lấy đi khoảng hơn 4 tiếng chạy xe cả đi cả về. Leo núi cũng mất khoảng 6 tiếng, cộng thêm thời gian nghỉ ngơi, chụp ảnh, thắp hương, tham quan… nữa cũng đến 12 tiếng.
Quan trọng không kém trong phần thời gian là ngày đi, nếu bạn thích chen nhau, ép mỡ nhau thì đi vào những ngày đầu năm (từ ngày 6/1 âm trở ra là bắt đầu mùa lễ hội). Chọn những ngày giữa tuần sẽ vắng hơn cuối tuần, đi tránh mùa lễ hội (tháng 1,2,3 âm) thì vắng người, đi cuối năm thì gần như chỉ có mình bạn thôi. Nếu bạn từng đi Yên Tử vào mùa lễ rồi mình khuyên bạn thử  đi vào một ngày thật vắng người, bạn sẽ thấy một Yên Tử khác, đẹp hơn, yên bình hơn.
3. Đường đi
Đường đi Yên Tử  không phức tạp, nhưng với những người không thông thuộc đường Hải Phòng hoặc tuyến Hà Nội – Hải Phòng rất dễ nhầm đường. Vì khu vực Quán Toán khá lằng nhằng, nhiều cầu vượt, nhiều ngã rẽ. Mình chụp lại bản đồ:
- Hướng Hà Nội – Hải Phòng: Bạn dọc theo quốc lộ 5, tới Quán Toan – Hải Phòng thì chú theo bản đồ đây.
Đường đi Yên Tử
Từ Hà Nội dọc theo quốc lộ 5, tới km 14 QL5 khoảng 94km là bạn đã tới khu vực Quán Toan
Đường đi Yên Tử
Từ đoạn km14 QL5 Quán Toan bạn đi thẳng và rẽ tay trái ở đoạn ngã 3  thứ nhất (rẻ phải là lên cầu, rẽ trái rồi đi thẳng) và rẽ trái tiếp ở đoạn ngã 4, tổng đoạn này 6km là bạn tới chân cầu Kiền
Đường đi Yên Tử
Từ cầu Kiền dọc theo QL10 đến đoạn QL18 rẽ tay trái, đi khoảng 2km là tới đền Trình Yên Tử. Đối diện đền Trình là đường Yên Tử. Tới đây cứ đi thẳng khoảng 10km đường đèo là đến chân núi. Đường đèo cũng khá quanh co, đừng phóng quá nhanh, đi chậm khoảng 80 – 90km là được rồi (nên đi khoảng 40km thôi). Nếu bạn đi lễ, trước khi lên Yên Tử bạn nên ghé qua đền Trình. (Từ cầu Kiền đến chân núi Yên Tử khoảng 32km). Đói bạn có thể ăn nhẹ ở đoạn QL 18, ở đấy có quán ăn nhẹ như cơm rang, phở bò… hoặc đi sâu vào gần chân Yên Tử có chợ Yên Tử cũng bán đồ ăn.
4. Khó khăn
Yên Tử là đất thiêng nên mình nghĩ chẳng có khó khăn gì cho cho các bạn ngoài chính các bạn đâu! Càng leo các bạn càng thấy khỏe ra, càng đi càng sảng khoái.
5. Lưu ý
- Đừng vứt rác bừa bãi: Hãy bỏ rác đúng nơi quy định (có thùng rác) hoặc nhét vào balo để mang xuống chân núi bỏ vào thùng.
- Nghỉ giữa đoạn: đừng cố gắng leo leo leo mà không nghỉ, nên dừng lại khi thấy mệt, hít thở thật sâu, uống một chút nước rồi hãy đi tiếp. Thời gian và đoạn đường còn dài.
- Đến rừng tùng, đừng dẵm lên gốc cây: lên đến giữa núi bạn sẽ đi qua một đoạn đường tùng quý tuổi thọ 900 – 1000 năm tuổi, gốc rễ của những cây tùng này ăn lên cả mặt đất. Đừng dẵm lên nó, mỗi năm có đến hàng triệu lượt người, chỉ cần mỗi người dẵm lên 1 lần thì tuổi thọ của những cây tùng này giảm rất nhiều. Hãy bảo vệ di sản!
- Cẩn thận đoạn lên chùa đồng: đoạn đường cuối này không có bậc thang, bạn nên cẩn thận vào những ngày trời mưa các tảng đá dễ trơn trượt. Nhưng yên tâm, có một điều rất lạ là rất ít người bị ngã khi đến đây, đất thiêng mà.
Tới đây mình chẳng nghĩ ra điều gì để viết nữa rồi, đoạn đường đi khá dài hãy cẩn thận trên từng ngã rẽ, khúc quanh. Nếu bạn đọc được bài viết này và chuẩn bị đi Yên Tử, chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời! Dưới đây là một vài bức ảnh trong lần đi gần nhất của tôi – tạm gọi nó là chuyến đi một mình, 99k.
Đường đi Yên Tử
Cầu Kiền
Đường đi Yên TửChân núi Yên Tử
Đường đi Yên TửCầu Giải Oan
IMG_4831Cầu Giải Oan cũ bắc qua thác Giải Oan.
Đường đi Yên Tử
Thác Giải Oan. Đây là nơi các cung nữ đã dìm mình tự vẫn khi Phật Hoàng (Đức vua Trần Nhân Tông) bỏ triều lên núi đi tu.
Đường đi Yên Tử
Danh sơn Yên Tử  - THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, theo Wikimedia thì Thiền phái Trúc Lâm là sự hợp nhất của 3 dòng thiền phái Việt lúc bấy giờ (Thế kỷ 12) nhưng mình nhớ đọc ở đâu đó nói rằng Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của Phật giáo Trung Quốc và Ấn Độ và Phật Hoàng có thay đổi cho phù hợp với văn hóa đất nước mình.
Đường đi Yên Tử
Những bậc thang đá đầu tiên
Đường đi Yên Tử
Chùa Giải Oan
IMG_4841Qua chùa Giải Oan là đường đi cáp treo và lối thang bộ lên chùa Hoa Yên
Đường đi Yên Tử
Hình ảnh thường gặp ở Yên Tử – người gánh hàng thuê
Đường đi Yên TửĐường Tùng – Đường Trúc cả 2 đường đều dẫn đến chùa Hoa Yên.
Đường đi Yên Tử
Tương truyền những cây Tùng này là giống quí được chuyển từ Ấn Độ sang, gần với nơi Đức Phật niết bàn
Đường đi Yên Tử
Đường đi Yên TửBạn có thể thấy những chiếc rễ cây, hãy nhớ “đừng dẵm lên nó!”
Đường đi Yên TửĐi đến đây bạn sẽ quên hết mệt mỏi
Đường đi Yên Tử
Vượt qua đường Tùng là một nơi có rất nhiều tháp, nơi trôn cất các vị Thiền sư. Trung tâm là tháp Huệ Quang nơi cất giữ một phần xá lị của Phật Hoàng
Đường đi Yên Tử
Đường đi Yên TửTháp nơi trôn các vị sư khác của thiền phái Trúc Lâm
Đường đi Yên TửĐường lên chùa Hoa Yên, chỉ có đi vào những ngày thường đường mới quang như thế này.
Đường đi Yên Tử
Những con rồng đá chạm khắc theo hoa văn thời Trần
Đường đi Yên Tử
Cây đại cổ trên 700 năm tuổi, không ra lá, không ra hoa
Đường đi Yên TửChùa Hoa Yên
Đường đi Yên Tử
Đường đi Yên TửNhững dấu tích còn xót lại của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau sự tàn phá của thiên nhiên và con người
Đường đi Yên TửNhững thùng hàng này nặng khoảng 50kg, họ được trả 100 – 150k/chuyến. Mỗi ngày gánh được 6-7 chuyến từ sáng tới 7h tối. Khi leo bạn sẽ thấy, chỉ leo thôi cũng đã mệt rồi – những người này còn gánh thêm 50kg.
Đường đi Yên Tử
Chùa Một Mái
Đường đi Yên TửQua chùa Một Mái là một đoạn vào cáp treo khác
Đường đi Yên TửỞ giữa núi bạn có thể phóng tầm nhìn ra rất xa
Đường đi Yên TửNước là thứ vô cùng cần thiết, nó giúp bạn tỉnh táo. Bạn chỉ cần trả phí 1000đ/lần sẽ được sử dụng nưới suối mát lạnh
Đường đi Yên TửBạn có thể đi cáp treo, khoảng 150k/lượt. Đoạn đường dài 1,2km, tôi chưa trải nghiệm cảm giác này vì đơn giản là tôi thích leo bộ.
Đường đi Yên TửQua chùa Một Mái là tới chùa Bảo Sái. Hướng xuống bên tay trái là chùa Vân Tiêu. Bạn cứ đi tiếp lên trên, khi xuống có đường qua chùa Vân Tiêu
Đường đi Yên Tử
Chùa Vân Tiêu nhìn xuống
Đường đi Yên TửTrời sẽ có lúc mây mù giày đặc
Đường đi Yên TửNhưng cũng có lúc nắng đẹp, ở độ cao của chùa Vân Tiêu (1/2 núi) là ta đã đứng trên mây rồi (Vân Tiêu dịch ra tiếng Việt là trên mây)
Đường đi Yên Tử
Đây là đoạn cuối của cáp treo, cũng là đoạn đường không còn bậc thang đá nữa. Chúng ta sẽ lao lên những hòn đá nhỏ từ đây
Đường đi Yên Tử
Tượng An Kỳ Sinh, tương truyền bức tượng đá này là một vị đạo sĩ hóa thành
Đường đi Yên TửTrong ngôi nhà này là bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông) được làm bằng đá rất lớn, đang trong giai đoạn hoàn thiện
Đường đi Yên TửĐoạn đường cuối là những tảng đá gồ ghề, nơi khó đi nhất
Đường đi Yên TửYahooooooooooooo! Lên đến đây là bạn đã vượt qua hơn 6km bậc thang và ở trên độ cao 1000m. Bạn sẽ đứng trên cả mây, gió và không khí loãng sẽ tát vào mặt bạn! Hãy trải nghiệm đi! Tôi đã gặp sư thầy, những người bạn đường ở đây và đã có lúc không muốn về nhà. Nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin, cứ liên lạc với tôi! (Thông tin cá nhân ngoài trang chủ)
Nguồn bài viết: http://dulichbui24.com/du-lich-mien-bac/du-lich-yen-tu/du-lich-yen-tu-hanh-trinh-ve-voi-dat-thieng-yen-tu.html