Bức ảnh chụp tháp rùa tại Hồ Gươm – Tác giả: Trương Bửu Lâm
Có thể nói thật khó để tim thấy một nơi nào trên đất nước này giống như Hà Nội. Khó có thành phố nào có cả nét thơ mộng của Đà Lạt, náo nhiệt của Sài Gòn và nét cổ kính của Huế, Hội An…
Nếu bạn chưa từng một lần đến Hà Nội, hãy dành vài ngày ngắn ngủi ghé thăm thành phố này! Và trước đấy, hãy cùng du lịch bụi quanh Hà Nội 1 ngày với tôi qua bài viết này!
Thời gian thích hợp để đi du lịch Hà Nội
Hà Nội 4 mùa đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là mùa thu vào khoảng tháng 8 đến tháng 11. Khi ấy Hà Nội là của hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… quãng thời gian tuyệt vời nhất trong năm, Hà Nội bỗng trở nên dịu dàng và lãng mạn sau cái nóng oi bức của mùa hè. Với tôi tới Hà Nội mùa thu là thích nhất!
Mùa thu Hà Nội trên đường Kim Mã – Tác giả: Ngô Dung
Mùa xuân và mùa đông Hà Nội lạnh, nhiều bạn bè của tôi ở Sài Gòn tò
mò về cái lạnh của Hà Nội. Nếu bạn chưa từng tận hưởng giá rét miền Bắc
thì đi du lịch Hà Nội mùa đông cũng rất thú vị. Khi ấy ra đường
nhìn ai cũng dễ thương như con gấu bông, thở ra khói, quần áo thì đủ
màu và còn quàng khăn cổ, đội mũ len, đeo găng tay nữa.Mùa hè Hà Nội thì khỏi nói, nóng – oi bức – kẹt xe – bụi đường… nóng tới mức lúc nào cũng chỉ muốn nhảy xuống hồ bơi hoặc chui vào một quán bia hơi nào đấy lấy bia dội lên đầu cho khỏi nóng. Mùa hè ở Hà Nội thường người ta đi Sapa , Mộc Châu hoặc Cát Bà, Hạ Long… để tránh nóng.
Đi du lịch Hà Nội bằng phương tiện gì?
Bạn có thể đến Hà Nội bằng máy bay, xe ô tô khách, xe máy hoặc tàu hỏa (tàu lửa). Nếu ở xa tôi nghĩ rằng thuận tiện nhất là đi máy bay. Ở gần thì có thể chọn đi xe ô tô khách, tàu hỏa hoặc xe máy.- Máy bay: Giá vẻ Jetstar Pacific và Vietjet Air tuyến Sài Gòn – Hà Nội giá vé dao động từ 1.200.000 đ đến 1.300.000 đ cho một chiều. Vietnam Airlines là 1.800.000 đ đến 2.300.000 đ một chiều.
Tuy nhiên sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố khoảng 30km, nếu đi đông bạn có thể chọn đi taxi (khoảng 300 – 400.000 đ/chuyến), xe bus của sân bay (40 – 50.000 đ/chuyến) hoặc tự bắt xe bus công cộng (theo tuyến 07 hoặc 17 để về trung tâm thành phố.)
Lưu ý: bạn nên hỏi giá trước khi bắt đầu đi và nên chọn những hãng taxi lớn như Mai Linh hoặc Nội Bài để tránh trường hợp bị chém.
- Tàu hỏa (tàu lửa): Giá vé tàu Bắc – Nam giao động từ 750.000 đ đến 1.300.000 đ một chiều chiều tùy thuộc vào loại vé (ghế cứng, mềm, giường nằm). Mất hơn 2 ngày (45 – 50h để đến Hà Nội)
- Ô tô khách: Có hai hãng xe khách lớn chạy tuyến Bắc Nam là Hoàng Long và Mai Linh. Bạn có thể mua vé tại bến xe miền Đông, xe thường chạy từ khoảng 6h chiều. Giá vé gần đây nhất khoảng 900.000đ/vé giường nằm.
- Xe máy: Nếu bạn đi bằng xe máy thì quá tuyệt! Hành trình này cực kì đẹp, khoảng 1 tuần chạy xe là tới Hà Nội. Trên đường đi bạn có thể ghé Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị… chơi. Bạn sẽ được chinh phục những con đèo đẹp tuyệt vời như Cù Mông, đèo Cả, đèo Hải Vân và chinh phục cả quốc lộ 1A nữa.
Khi tới Hà Nội: di chuyển bằng taxi, xe ôm (hoặc thuê xe máy) và xe bus trong thành phố. Nhưng tốt nhất là thuê một chiếc xe máy để tiết kiệm chi phí. (Giá khoảng 50 – 200.000 đ/1 ngày). Và nhớ hỏi trước giá khi đi xe ôm.
Địa điểm du lịch Hà Nội
Hà Nội có rất nhiêu địa điểm du lịch để bạn ghé thăm, tuy nhiên còn tùy thuộc vào thời gian bạn ở lại và tài chính. Bên dưới đây tôi sẽ liệt kê một vài địa điểm để bạn tham khảo, còn lịch trình tôi sẽ gợi ý ở phần cuối bài:Địa điểm văn hóa: Hà Nội có rất nhiều địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như Lăng Bác, chùa Một Cột, Văn Miếu, Hoàng Thành, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, hồ Gươm, hồ Tây, phố Cổ.
Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, người Hà Nội
thường tới đây xem lễ hạ kéo cờ (6h sáng) và hạ cờ (9h tối). Khi ấy tất
cả mọi người đứng trang nghiêm – Ảnh: Trần Đức Khôi
Địa điểm vui chơi: nhà thờ lớn. Trà đá vỉa hè ở bất cứ đâu. Bia hơi Tạ Hiện, café bờ hồ (Hồ Hoàn Kiếm), cafe Lâm, bar cỏ dành cho dân bụi ở Phố Cổ, Vincom Bà Trị, Vincom Maga Mall Royal city (Nguyễn Trãi), công viên nước Hồ Tây, rạp chiếu phim quốc gia, The Garden Mễ Trì, tòa nhà Keangnam hơn 70 tầng…
Nhà thờ lớn nằm trên Phố Nhà Thờ, nơi nổi tiếng với những quán trà chanh
Phố Tây của Hà Nội – Tạ Hiện. Giống như Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện của Sài Gòn nhưng không đông bằng.
Các địa điểm du lịch gần Hà Nội:
- Làng gốm Bát Tràng (cách Hà Nội 15km về phía Long Biên)- Làng cổ Đường Lâm (cách Hà Nội hơn 30km về phía Hà Tây, đi lối Nhổn hoặc đại lộ Thăng Long)
- Thành Cổ Loa (nằm ở phía huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km)
- Vườn quốc gia Ba Vì (Nằm ở phía Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 30km)
- Tây Thiên thiền viện & Tam Đảo (cách Hà Nội 50km về phía Vĩnh Phúc)
- Chùa Hương (cách Hà Nội khoảng 50km)
Bạn có thể tìm thông tin về lịch trình đi du lịch ở phần dưới.
Ẩm thực Hà Nội
Món phở cuốn yêu thích của tôi
- Phở: món ăn đặc trưng nhất của Hà Nội. Tôi đã ăn Phở ở Sài Gòn và Nam Định nhưng thấy Phở Hà Nội là ngon nhất. Hà Nội có đủ loại phở: phở bò (nổi tiếng phở Thìn bờ hồ hoặc 11 Lò Đúc), phở gà (172 Tôn Đức Tháng và Quán Thánh), phở cuốn (Tây Hồ), phở trộn (Lãn Ông) và phở áp chảo (Bát Đàn). Mỗi loại phở đều có một đặc trưng riêng và món nào cũng rất ngon. Tôi đặc biệt thích món phở cuốn.
Ngoài ra còn có rất nhiều món ăn ngọn đặc trưng khác như cốm Làng Vòng, thịt chó Nhật Tân, chả cá Lã Vọng, bún chả, bún thang, bánh cuốn Thanh Trì, bánh Tôm Hồ Tây, chân gà nướng, nầm bò nướng, bún đậu mắm tôm…
Ở Hà Nội không ăn nhanh như ở Sài Gòn, đến đây bạn có thể từ từ chọn món và thưởng thức. Đừng quên hỏi giá trước khi ăn nhé! Tôi thường nghe bạn bè trong Nam kể về việc bị chém khi đi ăn, mua sắm ở Hà Nội chỉ vì nói giọng miền Nam. Đây là một trong những điều không được hay của những người bán hàng, nhưng bạn đừng lo đấy chỉ là một số ít thôi…
Khách sạn tại Hà Nội
Hà Nội có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ. Không khó gì để có thể tìm được một phòng cho mình, giá từ 150 – 300.000 đ/1 đêm là loại trung bình. Còn khách sạn 3 sao, 4 sao ở Phố Cổ thì đắt hơn và chủ yếu dành cho khách du lịch nước ngoài. Bạn có thể tìm khách sạn, nhà nghỉ ở Long Biên, quận Hai Bà Trưng.sNếu bạn đi bụi và cần trợ giúp về phòng nghỉ tôi có thể cho bạn ở nhờ, phòng tôi ở Mỹ Đình cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km.
Lịch trình du lịch Hà Nội
Nếu đi du lịch Hà Nội trong 1 ngày bạn có thể du lịch quanh Hà Nội, nếu đi lâu hơn bạn có thể đi cả các địa điểm du lịch gần Hà Nội nữa. Tôi sẽ lên trước một lịch trình để bạn tham khảo:Du lịch quanh Hà Nội 1 ngày:
- 6h: bạn có thể đi bộ quanh khách sạn tìm một hàng Phở, bún chả để ăn sáng. Sau đấy kiếm một quán cafe hoặc quán trà đá để uống một cốc “trà Bắc” sẽ tốt cho tiêu hóa.- 8h00: xuất phát từ khách sạn đi thăm quan Lăng Bác (chú ý về giờ mở cửa Lăng Bác, Lăng đóng cửa vào ngày thứ 2 và thứ 6). Nếu lăng đóng cửa bạn có thể đi lòng vòng bên ngoài chụp ảnh và vòng ra đằng sau thăm chùa Một Cột (phương án khi mà bạn phải đi vào thứ 2 và thứ 6). Lưu ý là bạn sẽ phải gửi xe cũng như đăng ký vào viếng Lăng ở cửa sau, trên phố Ngọc Hà.
- 9h30: bạn rời chùa Một Cột đi đến Văn Miếu, cách đấy khoảng 1km (bạn có thể hỏi người dân hoặc các chú cảnh vệ nếu không có bản đồ).
tiếp tục thăm quan chùa Trấn Quốc, một ngôi chùa cổ kính lâu đời tại Hà Nội. Khoảng cách từ Lăng đến chùa khoảng 2,5km. Bạn cũng có thể chọn đi chùa trước sau đó mới vào Lăng.
- 10h30: bạn dời Văn Miếu đến thăm chùa Trấn Quốc và Hồ Tây (khoảng 4km). Đường ở Văn Miếu là đường một chiều nên bạn chú ý cẩn thận bị cảnh sát phạt nhé!
- 12h00: Sau khi thăm quan chùa Trấn Quốc và Hồ Tây bạn có thể tìm một quán Phở bò hoặc Phở Cuốn ở khu hồ Trúc Bạch ngay sát Hồ Tây, hoặc ăn một chiếc kem ở cửa hàng kem đối diện chùa Trấn Quốc.
- 13h30: Buổi chiều bạn có thể đi thăm Bảo Tàng Dân Tộc Học ở phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, cách trung tâm khoảng 8km). Ở đây bạn có thể tìm hiểu về mọi nền văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
- 15h00: quay lại trung tâm Hà Nội, di chuyển thẳng đến Hồ Hoàn Kiếm. Gửi xe và đi thăm quan Đền Ngọc Sơn. Sau khi kết thúc thăm đền Ngọc Sơn, nếu bạn thích tản bộ thì có thể đi dạo quanh Hồ Gươm và Phố Cổ, ghé vào mọi quán ăn vỉa hè để thưởng thức những món ăn độc đáo.
- 17h30: Sauk hi tham quan hết những địa điểm lớn trước bạn về lại khách sạn tắm, ăn tối.
- 20h00: Buổi tối bạn có một số lựa chọn sau. Đi chơi chợ đêm nếu ở vào cuối tuần (từ thứ 6 đến chủ nhật). Chợ đêm khá đông và bán đồ lưu niệm, các đồ linh tinh, đa số nhập từ Trung Quốc về. Bên cạnh đó cũng có một số đồ Second Hand, đồ Handmade cũng khá hay. Một số lựa chọn nếu bạn thích : có thể đạp xe đạp hoặc đi xe máy lên cầu Long Biên, hóng gió, ngồi uống trà chanh trên cầu, ngắm Hà Nội về đêm. Ngoài ra bạn cũng có thể uống trà chanh trên phố Nhà Thờ giao Lý Quốc Sư (đoạn đối diện Nhà Thờ Lớn).
Du lịch Hà Nội 2 ngày hoặc nhiều hơn
Nếu bạn ở Hà Nội lâu hơn 1 ngày thì cứ dành hết ngày đầu tiên để đi theo lịch trình ở trên, như thế là bạn đã đi hết các địa điểm quanh Hà Nội rồi. Sang ngày thứ hai bạn có thể đi đến các địa điểm du lịch gần Hà Nội khác như: làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm (ngôi làng cổ nhất Việt Nam), Tây Thiên Trúc Lâm Thiền Viện & Tam Đảo (nên ở lại 1 ngày tại đây), vườn quốc gia Ba Vì hoặc thành Cổ Loa.
Những địa điểm này bạn nên đi trong ngày, ngoại trừ Tây Thiên Trúc Lâm Thiền Viện & Tam Đảo thì nên ở lại. Còn các địa điểm khác bạn đi và về Hà Nội vào buổi tối. Tôi nghĩ sau ngày thứ nhất bạn nên đi làng gốm Bát Tràng trước, sau đấy ngày tiếp theo có thể ghé Tây Thiên Trúc Lâm Thiền Viện & Tam Đảo (nơi này rất đẹp).
Những điều tôi thích ở Hà Nội
Đầu tiên có thể kể đến con gái Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng bởi những cô gái với nước da trắng và giọng nói nhẹ nhàng ở đây.
Nét đẹp người con gái Hà Nội – Tác giả: Italyphoto
Người ta thường nói “Hà Nội đẹp nhất về đêm”, mà đúng thế thật. Khi đêm xuống thì Hà Nội khoác lên mình một diện mạo mới: không còn ồn ào, không tiếng còi xe, chỉ còn tiếng đêm im lặng trên những con đường vắng và những người quét rác, bán hàng rau chuẩn bị cho phiên chợ sáng sớm. Muốn thấy cuộc sống Hà Nội vê đêm bạn có thể ghé thăm chợ đầu mối hoa quả ở chân cầu Long Biên vào lúc 3 – 4h sáng.
Một góc Hà Nội về đêm
Hà Nội có thể thoải mái nghe điện thoại ngoài đường mà chẳng sợ bị giật như Sài Gòn.
Hà Nội cũng thơ mộng, tuy không bằng Đà Lạt nhưng ít mưa hơn Đà Lạt rất nhiều.
Hà Nội có nhiều mùa hoa: hoa sữa trên đường Nguyễn Du (mùa thu), hoa sưa trên đường Phan Đình Phùng (mùa xuân – tháng 3), hoa đào ở Nhật Tân (mùa xuân – tháng 2), hoa ban trắng gần Lăng Bác (mùa đông), hoa sen ở Hồ Tây (mùa hè tháng 5 – 6)
Và còn rất nhiều điều nữa để bạn tự khám phá!
Đi phượt đêm ở Hà Nội
Hà Nội về đêm không sôi động như Sài Gòn, người dân ở đây có thói quen đi ngủ trước 11h. Nhưng nếu bạn muốn thấy thêm một Hà Nội khác như tôi nói ở trên: không còn ồn ào, không tiếng còi xe, chỉ còn tiếm đêm im lặng trên những con đường vắng… thì bạn có thể đi tìm. Có rất nhiều bạn sinh viên ở Hà Nội thường tổ chức những buổi phượt đêm, tôi thấy điều ấy rất thú vị vì nó sẽ cho bạn cái nhìn khác về thành phố này. Tuy nhiên nếu đi buổi đêm thì bạn nên mang theo giấy tờ tùy thân kẻo bị công an hoặc cảnh sát cơ động kiểm tra nhé!Những điều cần lưu ý khi đi du lịch Hà Nội
Người Hà Nội thích uống cafe và trà nóng, nhưng thường ngồi lâu để bàn công việc chứ không để giải khát như ở Sài Gòn.
- Ở Hà Nội có rất nhiều đền, chùa nên các bạn ở trong Nam đi du lịch Hà Nội nên mặc trang phục kín đáo, không mặc váy ngắn, quần short… đến những nơi linh thiêng hoặc vào thăm lăng Bác.
- Phố cổ Hà Nội như một mê cung, đi đến đây tốt nhất bạn nên mang theo một tấm bản đồ du lịch.
- Khi mua sắm tại những khu chợ bạn nên trả giá, người bán hàng tại Hà Nội nhiều khi khó tính và không được lịch sự bởi thế nếu bạn chỉ có ý định xem mà không mua thì nên đi vào buổi chiều. Vì vào buổi sáng họ kiêng hỏi mà không mua, họ quan niệm như thế là xui cho cả ngày. Khi trả giá cũng đừng nên trả giá quá gay gắt, hay chỉ trả một giá rồi đi, tốt nhất nên trả giá lần một, rồi thêm lên một chút, dù có không mua được món đồ cũng nên mỉm cười và cảm ơn người bán hàng. Nói với họ bạn muốn đi xem thêm các hàng hóa khác trước khi quyết định có mua hay không.
- Nếu bạn nói giọng miền Nam rất dễ bị cho một cái giá “miền Nam”. Như kiểu “cho con một tô Phở” thì giá sẽ cao hơn với “cho cháu một bát Phở”. Hay những người xe ôm già sẽ gắt gỏng… đây là những kinh nghiệm thực tế mà bạn bè tôi ở trong Nam kể lại. Tuy nhiên nếu bạn biết trước và coi nó là một lẽ tự nhiên thì sẽ thoải mái hơn. Hãy cứ cười với họ, đừng tỏ ra gay gắt bạn nhé!
Cuối cùng! Chúc bạn có một chuyến du lịch Hà Nội thật nhiều trải nghiệm (nhất là những bạn ở miền Trung hoặc miền Nam). Mọi thắc mắc về bài viết bạn có thể viết dưới comment hoặc gửi qua email: vietanh.haiphongct@gmail.com tôi luôn sẵn sàng trợ giúp.
Nếu bạn muốn được nghỉ nhờ 1 – 2 đêm ở Hà Nội tôi rất sẵn lòng và có thể làm tour guide bất đắc dĩ dẫn các bạn đi du lịch Hà Nội một vòng nếu bạn thích! (Miễn phí nha!)
Cầu Long Biên – Tác giả: Đăng Quang Trần
Đường ray cầu Long Biên chụp ảnh rất đẹp, tuy nhiên bạn nên chú ý giờ tạu chạy
Khóa tính yêu trên cầu Long Biên.
Hoa lộc vừng trên hồ Gươm, hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm
Màu của mùa thu Hà Nội – Tác giả: Ngô Dung
Hoàng thành Thăng Long – Tác giả: Quốc Nguyên
Góc cửa ô – Tác giả: Cao Anh Tuấn
Một góc Hà Nội về đêm – Tác giả: Komasu VN
Nguồn bài viết kinh nghiệm du lịch quanh Hà Nội bạn có thể xem tại đây