Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Lợi ích của Thiền với cuộc sống



Tiêu đề chia sẻ lợi ích của Thiền với cuộc sống có vẻ không được đúng cho lắm, vì thường thì những người có nhiều kinh nghiệm mới chia sẻ còn tôi mới tập Thiền chưa được một năm, xin được sửa lại thành “cảm nhận lợi ích của Thiền với cuộc sống“.
thien la gi, loi ich cua thien trong cuoc songThiền là gì? Thiền có lợi như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta?


Tôi không nhớ rõ cơ duyên nào mình đến với Thiền, chỉ biết là tôi rất thích không gian yên tĩnh ở Chùa, thích những bức hình đức Phật và các vị Sư đang ngồi, nó có cái gì đấy kích thích trí tò mò của tôi. Còn một lý do nữa, ông bà tôi vẫn ngồi thiền 2-3h một ngày và ông bà nói với tôi lợi ích của việc ngồi Thiền từ khi tôi còn học lớp 8. Khi học lớp 8 tôi đã được ông ngoại dạy cho cách ngồi thế Hoa sen, tôi thích thú ngay từ lần đầu tiên nghe ông dạy và mất rất ít thời gian để làm quen với tư thế này (dù rất đau chân), và tôi đã làm được! Nhưng do ngày ấy còn trẻ con nên đầu óc chỉ nghĩ tới chuyện chơi, dần rồi cũng quên đi.  Mãi tới gần đây, khi có quá nhiều thứ hàng ngày đến trong đầu làm tôi căng thẳng, vô tình đọc một bài viết về lợi ích của Thiền với công việc tôi mới bắt đầu tìm tòi tài liệu, đọc các bài viết trên internet để tập. Và Thiền đã thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống của tôi, sức khỏe của tôi tốt hơn, tư duy nhanh nhạy hơn, tĩnh tâm hơn và làm mọi chuyện đúng đắn hơn. Tôi muốn chia sẻ những điều mình học được cho những người mới tìm hiểu về Thiền.
1. Thiền là gì?
Theo ý hiểu và tài liệu tôi đã tìmđọc thì thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng, thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu “chú” nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.
2. Đối tượng
Thiền không phân biệt tuổi tác, giới tính, công việc… bạn có thể là bất cứ ai, làm bất cứ điều gì thì đều có thể tập Thiền. Tuy nhiên Thiền đặc biệt tốt với doanh nhân và những người lao động trí óc. Nó sẽ giúp chúng ta tập trung, sáng suốt hơn.
3. Nguyên nhân & mục đích
Mọi chuyện đều có nguyên nhân và mục đích, chúng ta cũng sẽ có lý do để tập Thiền. Cá nhân tôi tập Thiền vì muốn tìm sự thanh thản. Còn bạn? Nếu quan tâm và muốn tập Thiền thì chắc bạn cũng nên tìm lấy cho mình một lý do để tránh trường hợp nản lòng.
4. Không gian
Theo cảm nhận của cá nhân tôi, không gian là một phần vô cùng quan trọng trong khi tập. Tôi đã thử ở rất nhiều không gian khác nhau: trên núi cao (Núi Yên Tử), trên đồi thấp, trong phòng làm việc và cả trên giường nữa… Sau rất nhiều địa điểm thì tôi chọn gắn bó với cái giường yêu quý của mình vì ngồi ở đấy không bị bất cứ điều gì làm ảnh hưởng tới bạn. Và quan trọng hơn cả là không gian này phải thật yên tĩnh.
5. Thời gian
Tôi nghĩ rằng thời gian cũng là điều kiện cần, đủ cho việc tập luyện. Tôi chọn ban đêm, vì ban đêm mọi hoạt động xung quanh đều dừng lại. Bạn có thể chọn khoảng thời gian trước khi đi ngủ và sáng sớm. Mỗi ngày dành 1 – 2h bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi. Khi mới bắt đầu bạn có thể tập ít hơn, từ 30 – 60 phút một ngày.
6. Chuẩn bị
Trước khi Thiền, bạn nên làm hết những công việc còn dang dở hoặc gạt tất cả chúng sang một bên. Hãy cắt liên lạc với mọi thứ xung quanh (tránh xa điện thoại) để tránh bị gián đoạn.
7. Tập trung
Không gian và thời gian là những yếu tố xung quanh. Khi đã có những điều kiện đủ để tập, bạn sẽ gặp phải khó khăn lớn nhất là không tập trung được. Tôi cũng vậy! Và điều này hết sức bình thường, ai tập Thiền cũng sẽ gặp kể cả là mới hay đã tập rất lâu rồi. Nhưng khi nó đến bạn đừng cố gắng kháng cự, cứ để những dòng suy nghĩ trong đầu mình tự do bay nhảy: đến rồi đi. Ta tập trung vào hơi thở và “định tâm”.
Có một lần tôi lên Yên Tử vào dịp cuối năm, gặp một vị Sư thầy trên đỉnh, tôi có trò chuyện và hỏi được Thầy cách tập trung tư tưởng, không bị phân tâm bởi những thứ xung quanh. Thầy chia sẻ rằng :”Thiền quan trọng nhất là định tâm. Nếu muốn tập trung được con phải lấy một hình ảnh gì đấy để định tâm lại, như vậy những suy nghĩ khác sẽ không chen vào được.”
Tôi thường lấy hình ảnh một người để định tâm, bạn cũng có thể lấy bất cứ hình nào thân quen với bản thân mình hoặc một câu “chú” để định Tâm. Nhưng nhớ là, khi luồng suy nghĩ đến bạn cứ để tự nhiên. Việc cần làm là tập trung vào hơi thở của mình. Đáng lẽ ra tôi sẽ nói về tư thế ngồi Thiền và việc thở trước, nhưng quan trọng nhất trong thiền là tập trung nên tôi đề cập đầu tiên để các bạn ghi nhớ ngay điều này. Hãy gạt bỏ tất cả mọi thứ sang một bên, thả lỏng cơ thể, thả lỏng tâm trí và hít thở sâu.
7. Thở
Tôi áp dụng cách thở của Yoga, hít thở sâu và chậm. Việc thở đúng cách giúp ích rất nhiều cho sức khỏe, tôi thường làm việc tới sáng nhưng chỉ với 30 – 45 phút Thiền, hít thở đúng cách tôi ngủ ngon và đầu óc vô cùng thoải mái. Chúng ta đang thở không đúng cách hàng ngày, chúng ta đang thở theo bản năng!
Thở như thế nào thì đúng cách?
- Thở Yoga: khi hít vào bụng phình ra, khi thở ra bụng hóp lại. Thở sâu và đều. Hãy nghĩ xem bình thường chúng ta có đang thở đúng cách hay không nhé!
8. Hoa sen & kiết già
tư thế hoa senTư thế ngồi hoa sen, hay còn gọi là kiết già trong Thiền
Có người nói tư thế trên gọi là “hoa sen” (thường dùng trong yoga) còn trong tài liệu về Thiền tôi đọc được thì  tư thế này được gọi là “kiết già”.
Chân: kéo chân trái của bạn đặt lên đùi phải,  lòng bàn chân hướng lên trời, kéo gần về bụng và chân phải đặt lên đùi trái.
Tay: đầu ngónn tay cái và ngón chỏ chạm vào nhau tạo thành hình chữ “O”, ba ngón còn lại để hơi cog. Đặt 2 lòng bàn tay lên trên hai đầu gối.
Lưng: thẳng lưng và thả lỏng tòan thân
Tác dụng của tư thế này là gì? Tôi xin trích dẫn một đoạn nói về tác dụng của thế Kiết già (tôi tạm gọi là Kiết già giống trong tài liệu):
Các chuyên gia Yoga cho rằng thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.
Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng “thông khí trệ”, “sơ tiết vùng hạ tiêu” và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng “Dưỡng âm kiện Tỳ” và “Sơ Can ích Thận” mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân “Âm hư hỏa vượng” hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già.
Tóm lại là bạn nên thử trải nghiệm tư thế này, bạn sẽ thấy khác biệt. Ban đầu không quen nhưng tôi sẽ tiết lộ cho bạn bí quyết: hãy làm quen với nó. Có lẽ bạn nghĩ điều này thật ngớ ngẩn, nhưng đúng là như thế! Tôi học được điều này từ Yoga và tôi áp dụng nó cho tất cả mọi sự việc trong cuộc sống của mình. Khi tôi đau, tôi chịu đựng và làm quen với nó và cơn đau qua đi. Hãy thử làm quen với điều gì đấy gây khó chịu cho bạn, tôi tin rằng bạn sẽ thấy điều gì đó đặc biệt!
9. Sau Thiền
Sau khi  ngồi Thiền, trước khi đứng dậy bạn cần làm một số động tác để hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường.
Đầu tiên: từ từ mở mắt, dùng tay vuốt nhẹ hai bên sống mũi từ trên xuống. Sau đó vuốt đầu, hai cánh tay và hai chân. Nếu bạn ngồi 10-15 phút thì sau khi tập xong chỉ cần khởi động nhẹ cổ và chân tay, nhưng nếu ngồi lâu hơn 30 phút chân bạn sẽ có dấu hiệu bị tê, nên khi duỗi ra bạn cần “làm quen lại với nó” bằng cách vuốt hai đùi, hai bắp chân và hai lòng bàn chân – đây là cảm giác tôi thấy thú vị nhất, khi ấy ta sẽ phải rất nhẹ nhàng với cơ thể mình. Bạn sẽ không hiểu được điều tôi nói khi bạn chưa thử trải nghiệm và nhớ rằng phải trên 30 thì mới thấy cảm giác này nhé!
thien la gi, loi ich cua thien voi cuoc song
Khi Thiền bạn sẽ thấy cả vụ trụ ở bên trong mình

10. Những điều nhỏ nhặt
Tôi đã hiểu và yêu bản thân hơn nhờ Thiền. Tôi đã yêu cuộc sống, mọi thứ xung quanh hơn nhờ Thiền. Khi Thiền sẽ có lúc bạn đau nhức, nhưng hãy cứ mỉm cười và từ từ thích nghi, làm quen với nó! Chắc cắn bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị. Trong phần tập trung, ngoài bí quyết sử dụng hình ảnh để định tâm thì tôi thường đếm nhịp thở. Những ngày đầu tôi đếm tới 200 nhịp, sau rồi tăng dần lên 300, 400, 700… Đó là cách làm riêng, tùy vào mỗi người.
Và cuối cùng: tôi chỉ mới tìm hiểu về Thiền, bài viết này sẽ chia sẻ theo mức độ hiểu biết và trải nghiệm cá nhân. Nếu bạn thấy tôi nói sai, hãy để lại một lời nhắn dưới bài viết này. Với tôi đó là một món quà vô giá!
Tôi là Trần Việt Anh, cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Rất vui vì được làm quen, kết bạn!

Nguồn bài viết: http://marketinghaiphong.wordpress.com/2013/04/21/thien-la-gi-chia-se-loi-ich-cua-viec-thien-voi-cuoc-song/